Sự tĩnh tại, an nhiên có thể tìm thấy trong chính căn nhà của mình. “Zen” trong tâm trí bắt nguồn từ một môi trường lành mạnh lan tỏa sự bình yên, thanh sạch: Một ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp và không bị “ô nhiễm” bởi hàng đống vật ngổn ngang gây ra stress. Công cuộc thu vén cho nhà cửa gọn gàng tưởng chừng là một câu chuyện dài không hồi kết. Nhưng ELLE Decoration sẵn lòng giúp bạn đạt được mục tiêu với những gợi ý hết sức thiết thực và bắt nhịp dòng chảy xu thế.
KỆ KIÊM VÁCH NGĂN
Với xu hướng xây dựng không gian mở, liền lạc như hiện nay, các tủ kệ xếp khối dần dần được thay thế, đảm đương vị trí của vách ngăn truyền thống. Loại sản phẩm này không chỉ là nơi trưng bày vật dụng đẹp mắt mà còn tạo ra một dải phân cách “có mà như không”- ý nhị mà tinh tế. Chúng chính là quãng dừng, giúp chuyển tiếp vùng chức năng mà không hề gợi cảm giác bít bùng, hạn chế. Tùy theo diện tích không gian mà bạn chọn kích cỡ kệ sao cho phù hợp. Nếu nơi ở của bạn là một tư trang rộng rãi thì một hệ kệ cao từ sàn lên trần sẽ để lại ấn tượng thẩm mỹ đáng nhớ. Còn trong một không gian khiêm tốn, ô kệ cao ngang tầm mắt là sự lựa chọn về giải pháp lưu trữ phù hợp hơn cả. Với trào lưu cá nhân hóa bùng nổ khắp nơi, giải pháp lưu trữ này cho phép người dùng tự do sáng tạo, xếp đặt theo cách của mình. Không còn mang tính đồng bộ, rập khuôn, các sản phẩm nội thất giờ đây thực sự trở thành một tuyên ngôn cá tính, đầy những bất ngờ.
Ảnh: Petra Bindel, Thiết kế: Muuto.
TỦ ÂM TƯỜNG, ÂM SÀN
Khi xu hướng nội thất tối giản tạo được làn sóng lan truyền mạnh mẽ thì những kiểu tủ với giải pháp lưu trữ được âm thầm giấu kín cũng được ưa chuộng hơn. Chúng trả về cho gia chủ khoảng trống nhẹ tựa thinh không, chẳng còn ngổn ngang những bộn bề đứt quãng. Khối tủ âm đồ sộ giờ đây thực sự trở nên tàng hình khi được ẩn giấu khéo léo dưới sàn nhà, hoặc ngụy trang như mảng tường gỗ lớn. Hệ tủ hòa mình vào hẳn không gian, tạo ra một bố cục mạch lạc, trơn láng. Tủ có ưu điểm là khoang chứa đồ lớn, có thể giúp bạn dễ dàng giấu đi những vật dụng cồng kềnh. Để tối đa hóa công năng, bạn nên tạo những ngăn chức năng đa dạng: Nơi bạn có thể móc, treo, xếp quần áo và vẫn còn đủ chỗ cho giày dép, túi xách, va li. Tủ âm tường thường có kích thước lớn, để tránh trường hợp hệ tủ trở nên áp đảo và “nuốt chửng” cả căn phòng, bạn có thể cân nhắc lựa chọn lớp hoàn thiện màu sáng như gỗ tần bì, gỗ sồi hoặc sơn trắng toàn bộ. Như vậy, bạn vẫn sẽ duy trì được sự nhẹ nhõm, tươi sáng cho không gian.
Ảnh: Tom Blachford và Kate Ballis.
BẢNG ĐỤC LỖ (PEG BOARD)
Peg board thực sự đã vượt ra khỏi khuôn khổ văn phòng và mở rộng “địa hạt” sang tận nhà bếp, hành lang, và thậm chí cả phòng khách. Bảng đục lỗ có sự linh hoạt tuyệt vời, cho phép người dùng tùy chỉnh, sắp xếp theo nhu cầu. Bạn có thể tự do sáng tạo ra những layout mới, biến mảng tường của mình thành tấm flatlay tuyệt đẹp mang đậm dấu ấn cá nhân. Sự trẻ trung, gần gũi và bản chất thú vị khiến cho peg board rất được ưa chuộng bởi những gia đình trẻ. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại kệ trần này là bề mặt dễ bám bụi, khá bất tiện để lau chùi. Vậy nên, trước khi lắp đặt peg board, bạn nên cân nhắc thật kỹ lưỡng về giải pháp lưu trữ, kích thước cũng như số lượng vật dụng bạn mong muốn trưng bày; bởi chúng sẽ tạo thành những ngóc ngách bám bụi, khiến bạn phải kha khá vất vả trong quá trình lau dọn hàng ngày.
Ảnh: marthastewart.com
TẬN DỤNG KHU VỰC CHÂN VÀ GẦM CẦU THANG
Gầm cầu thang thực sự có thể trở thành một chiếc rương báu nếu bạn biết khai thác một cách đúng đắn. Với hệ tủ âm tường (built-in), bạn có thể biến khu vực này thành một kệ sách, nơi lưu trữ thực phẩm khô, hoặc kho để đồ kết hợp giúp tập trung được những vật dụng nhỏ nhặt ít dùng đến trong nhà. Bằng cách chia ô bề mặt khéo léo, bạn vừa có thể nâng tầm thẩm mỹ cho cả khu vực, vừa tận dụng được hết khoảng không gian khó chiều này. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng an toàn trong dãy tủ này để dễ dàng tìm thấy đồ đạc khi cần thiết. Ngoài ra, ELLE Decoration cũng khuyến cáo việc vệ sinh thường xuyên để tránh nguy cơ chuột, bọ và các loại nấm mốc có hại sinh sôi trong môi trường ẩm thấp.
Ảnh: larissajohnston.com
KỆ LƠ LỬNG
Floating shelf (kệ lơ lửng) chưa bao giờ đánh mất vị trí của mình trong trang trí nội thất. Chúng tinh giản, hiệu quả và cực kỳ tiết kiệm không gian. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một vài phiến gỗ đóng thẳng lên tường. Mang dáng hình giản đơn cùng bề mặt mở thoáng, floating shelf có thể đóng vai trò là một giải pháp lưu trữ của kệ sách chỉ với một nửa cảm giác cồng kềnh. Chúng cũng đặc biệt hữu dụng trong nhà bếp khi bạn cần nơi sắp đặt chén đĩa thường xuyên sử dụng cho gia đình mình. Kệ lơ lửng càng để mộc càng đẹp, chúng hững hờ và chân phương, vững chãi và đáng tin cậy, tạo cảm giác phóng khoáng khiến công cuộc lưu trữ gọn gàng trở nên bớt cứng nhắc, khuôn sáo hơn. Một chút cảm hứng gần gũi thiên nhiên khiến môi trường sống của bạn lan tỏa nét thanh tao, dịu dàng, sự bình dị ấp ủ cho những nảy nở bình yên.
Ảnh: magnet.co.uk
Xem thêm các bài viết tin tức hay về thiết kế nội thất đẹp trên khắp thế giới nhé!
SOURCE|ELLEDECORATION.VN|THỰC HIỆN PHƯƠNG NGUYỄN.